Công việc và nghiệp vụ cơ bản của kế toán bán hàng trong doanh nghiệp

Kế toán bán hàng là một lĩnh vực trong kế toán, đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp và chuỗi bán lẻ. Nếu bạn muốn tìm hiểu rõ hơn về công việc và nghiệp vụ cơ bản của vị trí này thì hãy tiếp tục xem bài viết này nhé!

Công việc của nhân viên kế toán bán hàng

1. Cập nhật giá hàng hóa

Kế toán bán hàng có nhiệm vụ phải cập nhật thường xuyên giá cả, quản lý số lượng sản phẩm hàng hóa mới và nhập vào phần mềm quản trị kế toán. Nếu có sự thay đổi nào về giá thì phải thông báo ngay cho các bộ phận liên quan.

2. Quản lý các hóa đơn, chứng từ

Trong hoạt động mua bán hàng hóa có rất nhiều hóa đơn và chứng từ cần kê chi tiết cho các bên liên quan như khách hàng, nhà cung cấp, doanh nghiệp. Nhiệm vụ của kế toán bán hàng là thu thập, cập nhật đúng, đủ những giấy tờ đó, nhập số liệu vào phần mềm kế toán. Khi có bên cần những thông tin đó thì phải cung cấp chính xác, nhanh chóng cho họ.

3. Kiểm tra, cập nhật số liệu hàng hóa từ kho

Ngoài làm việc với các con số thì kế toán bán hàng cũng phải làm việc với các bên liên quan, cụ thể ở đây là kế toán kho và thủ kho. Họ phải phối hợp với nhau để cập nhật số liệu hàng hóa tồn, xuất, số lượng sản phẩm nhập, xuất mỗi ngày. Sau đó đối chiếu trên hệ thống phần mềm kế toán và phải đảm bảo tính trùng khớp. Cuối cùng là kết hợp với kế toán kho thực hiện báo cáo kế toán cuối ngày và báo cho cấp trên.

4. Theo dõi công nợ bán hàng

Kế toán bán hàng cũng làm việc với kế toán doanh thu, kế toán công nợ để thống kê tình hình công nợ, thu hồi công nợ, quản lý tiền hàng. Bên cạnh đó, họ phải lên kế hoạch công nợ, quản lý, theo dõi, đốc thúc khách hàng thực hiện công nợ trong quá trình bán hàng. Trong đó, phải theo dõi chi tiết từng khách hàng với từng lô hàng, số tiền nợ, thời hạn, tình trả nợ của khách hàng.

5. Lập các báo cáo bán hàng

Sau khi thực hiện các công việc lên kế hoạch, kiểm soát với các bộ phận kế toán khác thì kế toán doanh nghiệp cũng phải làm việc với các nhà quản lý. Tiếp nhận các yêu cầu của quản lý để lập các báo cáo bán hàng theo danh mục hàng hóa bán ra theo kỳ, báo cáo công nợ, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn tài chính theo định kỳ từng tháng, từng quý và từng năm.

6. Đề xuất phương án với ban lãnh đạo

Một kế toán bán hàng giỏi sẽ không chỉ dừng ở việc báo cáo mà còn phải biết dựa vào các thông tin, số liệu kế toán đã lập ra để đề xuất phương án nhằm tối ưu công việc. Cụ thể như đề xuất biện pháp thu hồi công nợ, đề xuất hướng xử lý với yêu cầu xuất hóa đơn không phù hợp của khách hàng, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi hóa đơn,... Những đề xuất từ góc độ của kế toán bán hàng sẽ giúp nhà quản lý đưa ra các quyết định về giải pháp và phương án khắc phục vấn đề tốt hơn.

7. Các công việc khác

Ngoài các công việc trên thì kế toán bán hàng cũng thực hiện một số công việc khác theo yêu cầu các bên liên quan. Cụ thể như làm báo cáo giá hàng hóa, làm hợp đồng bán hàng cho khách hàng, quản lý, theo dõi khách hàng và các công việc phát sinh khác trong hoạt động mua bán của doanh nghiệp.