2. KHÁI QUÁT VỀ TRÒ CHƠI NGÔN NGỮ

2.1 Khái niệm trò chơi ngôn ngữ

Trò chơi ngôn ngữ là một phương tiện tự nhiên để hiểu thế giới xung quanh, do đó nó được vận dụng trong giảng dạy và học tập, bao gồm cả việc học ngoại ngữ. Ngôn ngữ là hệ thống phức tạp con người sử dụng để liên lạc hay giao tiếp với nhau. Ngôn ngữ là hệ thống thông tin liên lạc được sử dụng bởi một cộng đồng hoặc quốc gia cụ thể, là cách thức truyền đạt thông tin thông qua văn bản hoặc lời nói. Trong thực tế, trò chơi và ngôn ngữ giúp làm giàu cho nhau. Trò chơi ngôn ngữ là một khái niệm triết học đã được đề cập bởi Wittgenstein ngay từ những năm 1930 [2]. Trò chơi ngôn ngữ đề cập đến các ví dụ đơn giản về sử dụng ngôn ngữ và các hoạt động kết hợp ngôn ngữ. Ban đầu, trò chơi được ứng dụng ẩn dụ để hỗ trợ cho khái niệm ngữ pháp, nhưng dần dần nó đã có vị trí độc lập. Khi quan niệm về ngôn ngữ như một hành động được hình thành thì khi đó những luật chơi hay còn được gọi là quy tắc trò chơi cũng được hình thành. Khác với quan niệm về ngữ pháp, quan niệm về trò chơi ngôn ngữ được gắn liền với thời gian (thời gian bắt đầu và kết thúc trò chơi). Các trò chơi ngôn ngữ cũng được cấu trúc hóa bằng các nguyên tắc nhưng theo ý đồ của người hành động. Những quy tắc ấy ra đời ngay trong tiến trình chơi, trong cấu trúc vật chất của đối tượng và bối cảnh xã hội.

Như vậy, trò chơi ngôn ngữ là một hoạt động trò chơi liên quan đến ngôn ngữ, là một trong những thủ thuật mà giáo viên dùng để giảng dạy trong tiết học ngoại ngữ. Do đó chúng ta có thể hiểu rằng trò chơi ngôn ngữ không phải là một trò chơi thuần túy, chỉ có mục đích thư giãn, giải trí mà thực tế đây là một loại hoạt động vừa học vừa chơi. Thông qua các hoạt động vui chơi của sinh viên và giáo viên lồng ghép các mục đích cụ thể trong việc sử dụng ngôn ngữ, sử dụng cấu trúc câu hay ôn tập từ vựng.

2.2. Vai trò của trò chơi ngôn ngữ trong giảng dạy tiếng Anh:

Thứ nhất, trò chơi ngôn ngữ tạo ra môi trường học tập vui vẻ.

Trò chơi ngôn ngữ luôn đòi hỏi sự kết hợp của SV tham gia theo cặp, theo nhóm hoặc cả lớp học, để cùng nhau thực hiện yêu cầu của trò chơi và ghi điểm, vì vậy trò chơi ngôn ngữ tạo ra bầu không khí học tập vui vẻ, hứng khởi. Bên cạnh đó, tâm lý thích ghi nhiều điểm và chiến thắng sẽ thúc đẩy SV chủ động và tích cực tham gia. Khi đó nhiệm vụ của GV là khích lệ SV hứng thú với trò chơi. Trong môi trường học tập vui vẻ và thoải mái do trò chơi tạo ra, việc ôn tập kiến thức đã học và tiếp thu kiến thức mới sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Thứ hai, trò chơi ngôn ngữ thúc đẩy động cơ học tập.

Động cơ học tập sẽ khiến cho việc học tập của SV trở nên có ý nghĩa và hiệu quả. Việc sử dụng trò chơi trong giảng dạy tiếng Anh là một trong những cách thức hữu hiệu để tạo cho SV những giờ học trên lớp thoải mái và thú vị nhằm duy trì động cơ học tập cho họ. Đồng thời, tính cạnh tranh giữa những người chơi và đội chơi luôn là yếu tố thúc đẩy động cơ học tập của SV và khích lệ SV tham gia trò chơi. Mặt khác, sự hỗ trợ nhau trong quá trình tham gia trò chơi sẽ khiến SV cảm thấy hứng khởi và tự tin hơn, từ đó hình thành động cơ học tập.

Thứ ba, trò chơi ngôn ngữ tăng cường sự cộng tác.

Trò chơi ngôn ngữ thường đòi hỏi sự hợp tác, giao tiếp giữa các SV trong thảo luận, đóng vai… Để giành chiến thắng cho cá nhân hay cho đội của mình, từng SV sẽ phải cố gắng tìm ra câu trả lời đúng để ghi điểm cho đội, đồng thời SV sẽ hợp tác với nhau bằng cách chia sẻ những thông tin họ nhận được để hoàn thành yêu cầu của trò chơi. Điều này thúc đẩy sự cộng tác của SV- một yếu tố cần thiết làm tăng động cơ học tập cho người học tiếng Anh.

Thứ tư, trò chơi ngôn ngữ là công cụ ghi nhận phản hồi trực tiếp và kiểm tra kiến thức của SV.

Kết quả bài thi luôn được coi như một công cụ kiểm tra kiến thức của SV. Tuy nhiên, việc nhận được phản hồi và kiểm tra được kiến thức của SV ngay trong quá trình giảng dạy mới thực sự có ý nghĩa. Thông qua việc tham gia trò chơi, GV đánh giá nhanh được kiến thức của SV từ những phản hồi trực tiếp của họ. Bên cạnh đó, thông qua sự quan sát của mình, GV tìm ra được thế mạnh và lỗ hổng kiến thức của SV, từ đó hỗ trợ họ phát huy thế mạnh và bù đắp lỗ hổng kiến thức. Như vậy, trò chơi ngôn ngữ là một công cụ ghi nhận phản hồi trực tiếp của SV, đồng thời là công cụ kiểm tra nhanh kiến thức của SV một cách không chính thức.

Cuối cùng, trò chơi ngôn ngữ là phương pháp dạy học tích cực lấy người học làm trung tâm. Trong quá trình tham gia trò chơi, để đạt được yêu cầu của trò chơi, SV phải nỗ lực hợp tác với nhau để tìm ra đáp án đúng, để giải quyết vấn đề, sau đó họ phải thuyết trình để bảo vệ quan điểm của mình. Khi đó SV trở thành trung tâm của quá trình dạy học, còn GV đóng vai trò là người kiểm soát và điều hành hoạt động trên lớp. GV cung cấp thông tin, là người gợi mở về kiến thức, còn SV là người tìm tòi, khám phá kiến thức. Như vậy việc sử dụng trò chơi ngôn ngữ được coi là một phương pháp dạy học tích cực lấy người học làm trung tâm, tạo cho SV nhiều cơ hội chủ động trong học tập và làm chủ các tình huống giao tiếp [12].

2.3. Một số trò chơi ngôn ngữ được áp dụng trong giảng dạy tiếng Anh

2.3.1. Trò chơi thực hành ngôn ngữ:

Mục đích của trò chơi này là giúp chữa lỗi và phát triển về ngôn từ, chuẩn bị cho SV trước khi họ thực hành các kỹ năng giao tiếp. Trò chơi này bao gồm trò chơi cấu trúc (structure games), trò chơi từ vựng (vocabulary games), trò chơi đánh vần (spelling games), trò chơi phát âm (pronunciation games), trò chơi con số (number games), trò chơi vẽ hay điền tranh ảnh (picture filling/ drawing games)… Cụ thể:

- Trò chơi cấu trúc: Trò chơi này được sử dụng để dạy cấu trúc ngữ pháp mới hoặc để ôn lại những cấu trúc ngữ pháp đã học. Trò chơi này rất có ích trong việc giúp SV thực hành và phát triển các kỹ năng giao tiếp. Một số trò tiêu biểu như Animail quiz, Feel and think, If I happened…

- Trò chơi từ vựng: Từ vựng là một trong những bài học khó của tiếng Anh. Việc lồng ghép các từ vựng trong trò chơi sẽ giúp SV dễ dàng ghi nhớ chúng một cách thoải mái và nhanh chóng hơn. Điển hình là có trò “Body fishing” dùng để thực hành từ mới và “Bingo” giúp SV làm giàu vốn từ vựng của mình.

- Trò chơi đánh vần: Cách viết các chữ cái tiếng Anh cũng tương tự các chữ cái tiếng Việt tuy nhiên cách phát âm của chúng hoàn khác với tiếng Việt. Do đó, SV thường gặp khó khăn trong khi quyết định viết từ thế nào cho đúng. Các trò chơi đánh vần có thể giúp SV tránh được các lỗi trong phát âm từ vựng. Một số trò chơi điển hình giúp SV chú những từ dễ sai như Complete The Word, Cross Words, Filling The Gaps, Fill in the O’s… Mục đích của tất cả các trò chơi này là luyện cách đánh vần đúng các từ vựng tiếng Anh [11].

- Trò chơi phát âm: Phát âm là một khía cạnh của ngôn ngữ và làm thế nào để SV hứng thú và thành công trong việc học phát âm là một công việc không dễ dàng đối với GV, do đó sử dụng trò chơi phát âm là một trong những phương pháp hiệu quả thường được GV áp dụng. Có một số trò chơi giúp học viên nhấn âm, nhận dạng cách nhấn âm trong các từ, các câu hoặc cụm từ ngắn như Four-Sided Dominoes (kết hợp các âm nguyên âm), Stepping Stones (nhận dạng trọng âm ở các động từ có hai âm tiết), Rhythm Dominoes (thực hành một số mẫu trọng âm trong các cụm từ ngắn, ví dụ: Can’t you hear me? Close the door? Please tell me); Stress Snap (nhận dạng trọng âm ở các danh từ đơn giản, ví dụ: question, balloon, cinema) [10].

2.3.2. Trò chơi giảng dạy ngôn ngữ giao tiếp

Mục đích của trò chơi này là rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho SV trong những tình huống thực tế. Trò chơi yêu cầu SV phải kết hợp cả từ vựng lẫn ngữ pháp cũng như sự nhanh nhạy của mình để đưa ra những câu trả lời nhanh chóng nhất. Trò chơi này giúp SV tăng khả năng phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau để đồng thời thực hành những tình huống giao tiếp cơ bản. Cụ thể:

- Trò chơi điền thông tin: Big clock games (thực hành nói về giờ giấc), Bandits and Sheriffs (thực hành miêu tả về đồ vật), Casanova’s Diary (đặt câu hỏi và kể về các sự kiện), Family Portrait (thực hành miêu tả về người)…

- Trò chơi đoán nghĩa: Actions by one person (kể lại một chuỗi sự kiện), Guess the jobs (đoán nghề nghiệp), Hiding and finding (đặt câu hỏi, và đưa ra gợi ý)…

- Trò chơi kết hợp: Computer Dating (thực hành hỏi đáp về sở thích), Flat Mates (thực hành hỏi và đáp về thói quen), Home Sweet Home (thực hành miêu tả về ngôi nhà hay căn hộ), My Home Town (thực hành miêu tả nơi chốn)…

- Trò chơi đóng vai: Animal Noise (yêu cầu sự chỉ dẫn), Fashion Shows (thực hành miêu tả người và quần áo), The Lost Property Office (đưa ra lời đề nghị, yêu cầu, lời xin lỗi)… [11].

2.4. Các nguyên tắc vận dụng trò chơi ngôn ngữ trong giảng dạy tiếng Anh

2.4.1. Về nội dung trò chơi

Mục tiêu của các trò chơi ngôn ngữ là tạo hứng thú cho người học, do đó các trò chơi ngôn ngữ phải có các ngữ liệu đơn giản để đảm bảo tất cả SV trong lớp học đều có thể tham gia được.

2.4.2. Về tổ chức lớp học

Các trò chơi có thể tổ chức ở cấp độ cá nhân hoặc theo nhóm. Thông thường, GV chia lớp thành nhiều nhóm và mỗi nhóm thường được đặt tên mà SV ưu thích và lựa chọn. Nguyên tắc quan trọng trong chia nhóm là mỗi nhóm đều phải có các SV có trình độ khác nhau từ trung bình đến khá, giỏi. Trong quá trình chơi, từng cá nhân trong đội phải lần lượt trả lời và mỗi người trong nhóm chỉ được trả lời một lần để nhiều người được tham gia.

2.4.3. Về đánh giá

Việc tham gia trò chơi mang tính cạnh tranh cao, vì vậy việc đánh giá, cho điểm là không thể thiếu. GV có thể áp dụng nhiều phương pháp cho điểm khác nhau, tuy nhiên phải công bằng, khách quan để thu hút SV. Mặt khác, SV thích theo dõi sự tiến bộ của mình trong quá trình học tập, vì vậy GV nên lưu điểm số của các nhóm để so sánh với lần tiếp theo.

2.4.4. Về hướng dẫn luật chơi

GV cần giới thiệu một cách ngắn gọn, dễ hiểu và giải thích rõ mục tiêu cần đạt được khi SV tham gia trò chơi bằng cách hướng dẫn trên bảng hoặc làm mẫu với một SV để các SV khác biết mình cần làm gì. Nếu SV không biết rõ luật chơi và mục tiêu cần đạt được, họ sẽ bị mất phương hướng, chán nản hoặc cho rằng hoạt động đó không quan trọng nên sẽ không nhiệt tình tham gia.

2.4.5. Về thời lượng

Thời lượng của một tiết học là 45 phút, vì vậy mỗi trò chơi ngôn ngữ chỉ nên thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Thông thường, các trò chơi ngôn ngữ diễn ra trong khoảng từ 5 đến 10 phút vào đầu tiết của mỗi bài học với mục tiêu khởi động, tạo hứng thú học tập cho SV [13].

3. CẢM NHẬN CỦA SINH VIÊN (KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ VIỆC VẬN DỤNG TRÒ CHƠI NGÔN NGỮ TRONG GIẢNG DẠY TIẾNG ANH TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƠN LA)

Để đánh giá hiệu quả của việc vận dụng trò chơi ngôn ngữ trong giảng dạy tiếng Anh, nhóm tác giả đã tiến hành điều tra khảo sát trực tiếp bằng bảng hỏi đối với SV ngành tiểu học (TH), mần non (MN), công nghệ thông tin (CNTT) của trường cao Đẳng Sơn La thời gian từ 02 tháng 10 năm 2019 đến 15 tháng 01 năm 2020. Các câu hỏi được đo bằng thang điểm Likert 5 bậc, với các lựa chọn số: 1 = Không hiệu quả; 2 = Bình thường; 3 = Khá hiệu quả; 4 = Hiệu quả tốt; 5 = Hiệu quả rất tốt. Kết quả khảo sát 513 sinh viên được đem vào phân tích như sau:

Bảng 1: Thống kê mô tả mẫu nghiên cứu

Khoa

TH

MN

CNTT

Tổng

cộng

%

Giới

tính

Nam

112

2

27

141

27,5

Nữ

170

189

13

372

72,5

SV

năm

1

87

70

14

171

33,3

2

75

65

13

153

29,8

3

120

56

13

189

36,8

Tổng cộng

282

191

40

513

 

Kết quả điều tra cảm nhận của SV về việc sử dụng TCNN trong giảng dạy tiếng Anh được thể hiện trong bảng 2.

 

Bảng 2: Thống kê kết quả nghiên cứu

   Biến quan sát

 

 

Câu hỏi

Mẫu

1

2

3

4

5

Giá trị TB

Sử dụng TCNN trong giảng dạy tiếng Anh là cần thiết

513

2

5

93

295

118

4,02

Sử dụng TCNN trong giảng dạy tiếng Anh tạo hứng thú cho SV

513

5

11

94

234

169

4,07

Sử dụng TCNN trong giảng dạy tiếng Anh tạo ra bầu không khí vui vẻ, thoải mái trong lớp học

513

2

5

73

283

150

4,12

Sử dụng TCNN trong giảng dạy tiếng Anh tăng tính cộng tác giữa các SV

513

3

6

76

295

133

4,07

Sử dụng TCNN trong giảng dạy tiếng Anh tạo ra động cơ học tập tiếng Anh đối với SV

513

5

11

97

277

123

3,98

Tham gia TCNN rèn luyện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho SV

513

2

17

112

268

114

3,93

Tham gia TCNN rèn luyện kỹ năng phát âm tiếng Anh cho SV

513

4

15

114

282

98

3,89

Tham gia TCNN phát triển từ vựng cho SV

513

2

14

121

187

189

4,07

Tham gia TCNN rèn luyện ngữ pháp cho SV

513

3

5

134

202

169

4,03

Bạn sẵn sàng tham gia TCNN trong lớp học tiếng Anh

513

2

7

142

199

163

4,00

Dữ liệu bảng 2 cho thấy giá trị trung bình của các câu hỏi đều lớn hơn 3, trong đó giá trị trung bình nhỏ nhất là 3,89 và giá trị trung bình lớn nhất là 4,12. Kết quả này cho thấy đa số SV được hỏi đều ủng hộ việc vận dụng TCNN trong giảng dạy tiếng Anh. Cụ thể:

- Cảm nhận của SV đối với sự cần thiết của việc vận dụng TCNN trong giảng dạy tiếng Anh cho giá trị trung bình là 4,02. Điều này chứng tỏ đa số SV cho rằng vận dụng TCNN trong giảng dạy tiếng Anh là rất cần thiết.

- Hứng thú của SV đối với việc vận dụng TCNN trong giảng dạy tiếng Anh có giá trị trung bình là 4,07. Kết quả này thể hiện đa số SV được hỏi đều rất hứng thú đối với TCNN khi tham gia lớp học tiếng Anh.

- Cảm nhận của SV đối với bầu không khí lớp học khi vận dụng TCNN trong giảng dạy tiếng Anh cho giá trị trung bình là 4,12. Như vậy đa số SV được hỏi đều cảm thấy vui vẻ và thoải mái khi tham gia lớp học mà ở đó GV vận dụng phương pháp TCNN trong giảng dạy tiếng Anh.

- Đánh giá hiệu quả của việc vận dụng TCNN trong việc tăng cường tính cộng tác giữa các SV có giá trị trung bình 4,07. Điều này cho thấy SV đánh giá cao vai trò của TCNN trong việc tạo ra tính cộng tác giữa các SV trong quá trình học tập.

- Tạo động cơ học tập cho SV khi vận dụng TCNN có giá trị trung bình là 3,98. Điều này chứng tỏ việc sử dụng TCNN là một trong những phương tiện hữu hiệu tạo động cơ học tập tiếng Anh cho SV.

- Tham gia TCNN sẽ rèn luyện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho SV có giá trị trung bình là 3,93. Như vậy đa số SV đồng tình với quan điểm khi tham gia TCNN SV có cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh.

- Tham gia TCNN trong lớp học tiếng Anh rèn luyện kỹ năng phát âm tiếng Anh cho SV có giá trị trung bình là 3,98. Như vậy đa số SV được hỏi ủng hộ quan điểm này.

- Tham gia TCNN trong lớp học tiếng Anh phát triển vốn từ vựng tiếng Anh cho SV có giá trị trung bình là 4,07. Điều này cho thấy SV ủng hộ quan điểm khi tham gia TCNN SV có cơ hội tìm hiểu từ mới và ôn tập từ cũ, từ đó sẽ tích lũy được vốn từ vựng.

- Tham gia TCNN trong lớp học tiếng Anh rèn luyện ngữ pháp tiếng Anh cho SV có giá trị trung bình là 4,03. Điều này cho thấy đa số SV đồng tình quan điểm này.

- Cuối cùng, khi được hỏi về sự sẵn sàng tham gia TCNN, đa số SV đều thể hiện sự sẵn sàng tham gia (giá trị trung bình là 4,00); tuy nhiên vẫn có số ít lựa chọn không đồng ý (giá trị nhỏ nhất là 2). Điều này cho thấy một số ít SV thực sự không hứng thú với TCNN.

Kết quả nghiên cứu cho thấy việc vận dụng TCNN trong giảng dạy tiếng Anh là phương pháp giảng dạy hữu hiệu nhằm tạo ra bầu không khí lớp học vui vẻ, thoải mái, thúc đẩy động cơ học tập của SV và giúp SV phát triển các kỹ năng như giao tiếp, phát âm, đồng thời phát triển vốn từ vựng và ngữ pháp cho SV.

4. KẾT LUẬN

Việc sử dụng các trò chơi ngôn ngữ trong giảng dạy tiếng Anh tại Trường Cao đẳng Sơn La trong năm học 2019-2020 có hiệu quả rất tích cực, đã tạo ra không khí sôi nổi; giúp sinh viên phát triển được vốn từ vựng tốt hơn. Tuy nhiên để tạo được hứng thú học tập cho SV thì việc lựa chọn phương pháp giảng dạy rất quan trọng. Phương pháp sử dụng TCNN trong giảng dạy tiếng Anh có tác dụng tích cực trong việc tạo hứng thú học tập cho SV. Chính vì thế, GV cần vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy khác nhau nhằm khai thác tối đa tiềm năng học tập của SV.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Canh Le Van, Understanding Foreign Language Teaching Methodology, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004.
  • Brown D.,  Teaching  by  Principles:  An  Interactive  Approach  to  Language

Pedagogy, Englewood Cliff, NJ: Prentice Hall, 1994.

  • Byrne D., Teaching Oral English, Longman, London, 1978.
  • Harmer J., The Practice of English Language Teaching, 2002.
  • Hedge T., Teaching and Learning in the Language Classroom, Oxford: OUP, 2000.
  • Lee W. R., Language Teaching Games and Contexts, Oxford 21 Press, 1979.
  • Rixon S., How to use games in language teaching, Macmillan Education, 1981.

GV Chu Thị Thùy Hương -  Khoa Giáo dục đại cương, Trường Cao đẳng Sơn La