THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP NÂNG CAO KỸ NĂNG TỰ HỌC CHO SINH VIÊN TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƠN LA

 I. Đặt vấn đề

          Bồi  dưỡng và phát triển năng lực tự học của người học là một trong những định hướng xuyên suốt và nhất quán trong văn kiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và  Nhà nước trong giáo dục và đào tạo. Nghị quyết số 29-NQ/TW xác định mục tiêu phát triển: “ phát triển khả năng sang tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học”.

 Tự học là cần thiết đối với tất cả mọi người trong suốt cuộc đời. Với sinh viên việc hình thành và phát triển năng lực tự học là vô  cùng cần thiết, có nhiều cách để phát triển  năng lực tự học như:  Phát huy tính tích cực của người học, tối ưu hoá việc học  bằng dạy học chương trình hoá, thực hiện bài tập nghiên cứu, tổ chức dạy học phân hoá, áp dụng công nghệ dạy học và dạy cách học cho người học. Trong quá trình hội nhập, thực hiện đào tạo theo  chương trình “tín chỉ ”, tự học là một yêu cầu bức thiết. Luật Giáo dục đã ghi rõ: “Phương pháp giáo dục  phải coi trọng việc bồi dưỡng năng lực học nghiên cứu, tạo điều kiện cho người học phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng”. Tuy nhiên, cũng như một số trường khác, vấn đề tự học của sinh viên Trường Cao đẳng Sơn La còn nhiều điều đáng bàn. Thiết nghĩ, cần thiết nêu lên thực trạng và  tìm ra những giải pháp cụ thể mang tính chất khả thi mới có thể giúp sinh viên giải quyết vấn đề tự học.

II. Thực trạng học tập hiện nay của sinh viên trường Cao đẳng Sơn La

Trong xu hướng rút cần ngắn thời gian lên lớp, nhiều sinh viên cảm thấy thời gian học tập sao quá nhàn hạ để họ có thể cho phép mình được vui chơi thoải mái.  Bên cạnh đó tình trạng học “đối phó” diễn ra phổ biến trong sinh viên. Hầu hết sinh viên chưa chủ động được thời gian, chưa biết sắp xếp hợp lí thời gian cho toàn bộ chương trình cũng như kế hoạch học tập hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày của mình.

 Đa số sinh viên chưa biết và cũng chưa có ý thức chủ động tìm kiếm kiến thức mới. Giảng viên  dạy tới đâu, sinh viên học đến đó, giảng viên dặn điều gì thì sinh viên học và làm điều ấy. Một số sinh viên học theo lối thực dụng: những phần nào giảng viên cho cho thi, liên quan đến điểm số thì mới đầu tư học tập.

Khả năng ứng dụng và tiêu hoá kiến thức của nhiều sinh viên chưa sâu. Đối với sinh viên, kiến thức ở giảng đường dường như tách rời thực tế. sinh viên chưa thấy được kiến thức sách vở là bắt nguồn từ cuộc sống và mục đích cuối cùng của chúng là sẽ trở lại phục vụ cuộc sống. Đối với sinh viên nhiều vấn đề khoa học trở nên trừu tượng, mơ hồ, chúng tồn tại chơi vơi, dường như không có đất sống. Muốn tìm được mảnh đất sống thực sự cho chúng không gì hơn là phải đầu tư tự nghiên cứu, tự học. Sinh viên cũng chưa thấy được mối quan hệ giữa các các học phần, các đơn vị kiến thức. Kiến thức mình đang học có liên quan gì với kiến thức trước và sau nó. Do vậy, sinh viên cũng chưa biết vận dụng cái đã biết để giải quyết những vần đề chưa biết và cần biết.

Từ những đặc điểm nêu trên dẫn đến một hậu quả khá nghiêm trọng là khả năng nghiên cứu của đa số sinh viên còn yếu kém. Điều này, đồng thời, dẫn đến một hệ lụy sau cùng là sau khi ra trường, khả năng phát hiện vấn đề, xử lí tình huống, giải quyết công việc của hầu hết SV là không cao.

III. MỘT SỐ  BIỆN PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG  LỰC TỰ HỌC CỦA SINH  VIÊN TRONG DẠY HỌC  Ở CAO ĐẲNG SƠN  LA

Trong  những  giờ học đầu tiên, cần giới thiệu kỹ lịch trình và kế hoạch giảng dạy. Thông  báo rõ ràng cho sinh viên  về mục tiêu, chuẩn đầu ra của học phần. Thông qua đó cần làm cho sinh viên hiểu rõ,  vị trí, ý nghĩa của học phần trong chương trình đào tạo của khoá học. Mỗi học phần thường đảm nhận một vài chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, chúng có mối liên hệ  với học phần trước và sau nó, qua đó  sinh viên hiểu được vì sao phải học học phần này? Nội dung học phần sẽ  được sử dụng cho các học phần tiếp theo như thế nào. Giới thiệu  kỹ  về học phần giúp sinh viên hình thành động  cơ,mục đích học tập, chủ động lập kế hoạch học tập phù hợp với yêu cầu của học phần

Hướng dẫn sinh viên cách học chủ động,  tìm kiếm thông tin, tài liệu, ghi chép bài chủ động  nghiên  cứu học tập có suy  tư, trải nghiệm và liên  hệ, cách ghi nhớ nội dung học tập theo vấn đề,logic

Hạn  chế tối đa cách trình bày nội dung một chiều trên lớp, áp dụng phương pháp đặt vấn đề, và thảo  luận nhóm để sinh viên được trình bày quan điểm cá nhân, bổ sung và thu thập thêm tài liệu khi thuyết trình

 Đa dạng hoá  các hình thức đánh giá.  Thực hiện đánh giá quá trình và phản  hồi liên tục trong suốt quá trình dạy và học. Quy định tỉ trọng đánh  giá quá trình và đánh giá kết thúc; đánh giá qua bài thu  hoạch tổng  hợp và vận dụng tổng hợp. Đa dạng hóa các hình thức đánh giá cũng là cách để sinh viên tự rút kinh nghiệm và tự đánh giá kết quả học tập của chính mình.

IV. KẾT LUẬN

Trường cao đẳng dù hiện đại đến đâu cũng không trang bị đủ kiến thức, kỹ năng  cho người học hành nghề suốt đời trong thực tiễn nghề nghiệp luôn biến đổi, vì thế một trong những mục tiêu của giáo dục là phải phát triển được năng lực tự học của người học. Bản chất của học tập ở cao đẳng là mang tính nghiên cứu, được thực hiện chủ yếu qua tự học, đặc biệt, học tập theo tín chỉ đặt ra yêu cầu rất cao đối với người học. Trong học chế tín chỉ (với quy định 1 giờ học tín chỉ trên lớp, cần 2 giờ tự học)  đòi hỏi sinh viên phải làm chủ được thời gian, trong đó thời gian tự học là chủ yếu. Tự học, tự nghiên cứu để tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng học tập, kỹ năng thực hành nghề nghiệp là những yêu cầu quan trọng và hết sức cần thiết đối với sinh viên.

Phương châm cốt lõi trong kỹ năng tự học là hướng tới hoạt động học tập chủ động, chống lại thói quen thụ động trong học sinh, sinh viên, khai thác nguồn tư liệu giáo dục mở, và thư viện số, tư liệu nguồn internet. Muc tiêu là trang bị kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên trong quá trình theo học tại cao đẳng cũng như suốt đời học tập để làm giàu tri thức của bản thân, và phục vụ tốt cho thực tiễn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương (2013), Nghị quyết số 29 NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa  và hội nhập quốc tế, Hà Nội.

2. Chính phủ (2005), Nghị quyết của Chính phủ số 14/2005 NQ-CP ngày 02/11/2005 về đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, Hà Nội

Lê Thị Thúy Hiền: GV BM Chính trị - Khoa Cơ bản