"Tôi viết bài này theo lời tâm sự của Sinh viên tôi - Chàng trai người Mông khuyết tật về vận động - Vừ Trung Bay.
“Khi tôi chào đời, cha mẹ tôi đã không có niềm hạnh phúc đủ đầy như nhiều bậc cha mẹ khác. Tôi chỉ có một cánh tay lành lặn, còn một bên tay không có bàn tay. Phần khuyết lại thuộc về tay phải. Mẹ ôm tôi mà nước mắt lăn nặng nề như những cối đá xay mèn mén mùa đói thay cơm. Trong lời kể của cha về ngày tôi chào đời, mắt vẫn luôn ầng ậc nước như thế!
Bay 2
Tôi là một đứa trẻ khuyết tật về vận động, tôi không may mắn khi bị khiếm khuyết về cấu trúc cơ thể bẩm sinh. Hành trình KHUYẾT – LẤP ĐẦY của tôi vừa gian nan, vừa đáng nhớ, ghi dấu ấn đậm nét của người Mông quê hương Sơn La tôi.
Cha đặt cho tôi cái tên Vừ Trung Bay, hy vọng tôi mạnh mẽ và giàu ý chí như chính dân tộc Mông của tôi vậy. Đủ là hai tay, khuyết là một tay. Nhưng với tôi, không phải khuyết một nửa cơ hội phát triển. Thực tế, những người khuyết tật như tôi, bị khuyết hơn cả một nửa cơ hội được sống bình thường và quá nhiều cơ hội để sống tốt.
Ông bà ta thường nói: “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi”. Đó là ba quá trình phát triển thông thường của trẻ con. Tôi chỉ có một bàn tay, tôi chậm chạp hơn các bạn cùng trang lứa rất nhiều. Lúc các bạn đã biết đi thì tôi mới chỉ trườn và bò. Bạn được dùng cả hai tay khám phá bao điều hay của cuộc sống, thì tôi mãi đến lúc gần 3 tuổi em mới bắt đầu đi chầm chậm được. Cũng vì thế, sau này, tôi là người hay tiếc thời gian, tôi tiếc vì điểm xuất phát của tôi đã thấp, con đường lớn – sống của tôi hẹp hơn, nhiều gập ghềnh hơn.
Lên 6 tuổi, tôi mới bắt đầu được bước chân đến cổng của trường học. Cả thế giới mới và lạ mở ra trước mắt tôi. Tôi cũng thành một người đặc biệt trong mắt bạn bè. Có bạn không đến gần, có bạn tìm cách xa. Tôi chỉ hồn nhiên đặt lại câu hỏi cho chính cha mẹ mình: “Tại sao lại thế?”
Cả một năm học, tôi loay hoay, gắng gượng và kiên trì với cây bút và bàn tay trái. Nhiều khi cha mẹ thương, tình thương con khoanh vùng trong bản làng, khiến cha mẹ nhiều lần tính cho tôi ở nhà. Những mùa đông vùng cao, sương mù, sương muối phủ trắng núi rừng mịt mù. Cái rét cắt da thịt ùa vào nhà, dày đặc, quấn lấy từng thớ thịt con người. Tôi và đám bạn lên 6, đi bộ vượt núi đến lớp học, đói bụng triền miên nên nhiều khi chân không muốn bước, tay trái không muốn cố gắng giữ cây bút để tô, viết theo hàng lối trên trang vở. Rồi chuyến thiện nguyện đến bản Mông, tôi có 1 chiếc áo ấm. Thầy giáo lớp 1 lại quan tâm mang đến cho tôi những con cá khô để ăn cùng cơm. Ánh sáng để soi lối cho tôi là đây. Nửa năm lớp hai, tôi có thể viết có hàng, lối. Đó là một món quà lớn cho Thầy Cô và Cha mẹ. Ước mơ trở thành giáo viên Tiểu học nhen nhóm trong tôi từ đó.
Nhà tôi điển hình cho hộ dân tộc Mông, sống ở núi cao, quanh năm nương rẫy để duy trì cuộc sống. Cuộc sống nghèo khó của gia đình cho tôi có cơ hội rèn luyện ý chí. Khi là thiếu niên, ước mơ của tôi càng trở nên cháy bỏng. Tôi muốn mang con chữ lên non cao, đến với những bản làng người Mông đang ngày đêm chờ đón. Tôi mang chỉ có thể bằng một tay nhưng quyết mang trọn tấm lòng và tri thức tôi học được.
Cuộc sống hàng ngày từ một cậu bé, đến một thanh niên, một bàn tay khiến tôi phải xoay xở và bị giới hạn quá nhiều trong mọi hoạt động của cuộc sống. Nhưng tôi luôn nghĩ: khuyết luôn được bù. Và như thế, tôi tự bù đắp cho mình ước mơ và khát vọng, tôi bù cho mình ý chí và niềm tin. Đó là những thứ để tôi sống chan hòa, sống hòa nhập và xóa nhòa ranh giới về sự không bình thường của mình với những người xung quanh.
Cánh cổng trưởng Cao đẳng Sơn La mở ra khi tôi bước sang tuổi 19. Ngày đầu đến giảng đường sớm hơn các bạn, tôi đã thử đứng trên bục giảng của thầy cô, tôi cầm viên phấn viết lên bảng bằng tay trái, rắn rỏi và vững trãi dòng chữ: “Tôi làm được!”. Cuộc sống mới, những nhiệm vụ học tập và rèn luyện thường xuyên cuốn tôi đi. Tôi trao gửi cho các bạn mình tất cả sự chân thành và gần gũi, tôi nhận được sự thương yêu và quan tâm. Những hoạt động Đoàn Thanh Niên, hoạt động Hội Sinh viên là môi trường cho tôi được thỏa sức xem xét bản thân có giới hạn đến đâu. Hết năm thứ nhất, dường như mọi người nhớ đến tôi bằng cái tên Vừ Trung Bay, không phải là nhớ đến bằng sự khác thường, khiếm khuyết của cơ thể.
Đi học về, bạn nắm cái đầu tròn của tay phải của tôi một cách tự nhiên nhất. Hoạt động học tập và tương tác, bạn cũng nắm cái đầu tròn của tay phải một cách bình thường nhất. Đi thực tập sự phạm tại trường Tiểu học, học sinh lớp chủ nhiệm nắm cái đầu tròn ở tay phải một cách không e dè như ngày đầu, trao cho tôi những lời hẹn về thăm lớp, những lời chúc và yêu thương. Tôi hạnh phúc vì Tôi đã làm được!
“Đôi bàn tay là công cụ cho trí tuệ của con người” (Maria Montessori). Tôi không đủ, tôi thiếu một tay, tôi bù lại bằng tất cả sự ham thích sống và sống hòa nhập, sống ý nghĩa. Tôi cho rằng, cuộc sống chỉ thật sự ý nghĩa và trọn vẹn khi bạn biết giữ gìn và nuôi dưỡng ước mơ, biết can đảm bước ra từ nỗi đau, biết vượt lên học hỏi sau những thất bại, sai lầm. Và may mắn biết bao khi trong cuộc đời tôi, có những người bạn chân thành và nhiều thế hệ thầy cô đã trao cho tôi niềm tin rằng “Bạn làm được!”; “Em làm được!”
Nếu tôi cam phận; nếu tôi bị đánh gục bởi những mệt mỏi, những khiếm khuyết, những đớn đau và tổn thương trong cuộc sống, tôi đã không có cơ hội kể câu chuyện cuộc đời mình, chân thực, không cao xa nhưng có thể là động lực để nhiều người còn đang mặc cảm tự ti, yếu thế vì hoàn cảnh khuyết tật, can đảm hơn, mạnh dạn hơn bước ra khỏi sự bi quan, hòa nhập với cộng đồng.
Tương lai phía trước còn dài. Tôi muốn có nhiều cơ hội để chứng minh về sự bù khuyết của mình. Tôi muốn có cơ hội để có thể viết dày hơn câu chuyện cuộc đời mình, truyền cảm hứng cho những người cùng cảnh biết vượt lên giới hạn bình thường của bản thân. Câu chuyện cuộc đời – cần được viết theo cách riêng, nhưng chắc chắn cần chung ở ngọn lửa ý chí và nghị lực sống tích cực, niềm tin bền bỉ được vun bồi mỗi ngày./.”
Bay 1
Bay3
    •  
    • Phản hồi
    • Chia sẻ