An sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ. Để giảm nghèo bền vững, chống nguy cơ trở thành hộ nghèo, nguy cơ tái nghèo, cận nghèo thì đào tạo nghề, việc làm là giải pháp căn cơ và hiệu quả.

     Phát triển GDNN là nhằm thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả trên cơ sở chiến lược tăng trưởng cân bằng, an toàn, bao trùm, bền vững và sáng tạo. Từ đó, người lao động có tiền lương, thu nhập, đảm bảo đời sống của bản thân và gia đình từ mức trung bình trở lên; đồng thời, hỗ trợ quá trình chính thức hóa thị trường lao động, nâng cao khả năng tìm được việc làm cho người được đào tạo chính quy.

     Nhiều báo cáo nghiên cứu ở Việt Nam đã chứng minh, GDNN có ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình, ảnh hưởng đến tình trạng kinh tế của hộ gia đình. Tỷ lệ hộ nghèo của người tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học chỉ dưới 1%; trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo của chủ hộ chưa học xong tiểu học lên đến 26,6%.

     Trong giai đoạn 2012 - 2016, tỷ lệ nghèo đều giảm ở các hộ, chủ hộ có trình độ học vấn cao hơn, trong khi tốc độ giảm nghèo đạt mức thấp hơn ở các nhóm, các hộ, chủ hộ lao động không có kỹ năng nghề. Mặt khác, tình trạng trẻ em bỏ học khi mới học hết lớp 9 ở các hộ nghèo còn khá phổ biến. Việc phân luồng và dạy nghề là giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng này.

     Ngay từ năm 1999, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã nhấn mạnh tới vai trò của việc đào tạo nghề cho người nghèo. Nghèo đói có tương quan trực tiếp với trình độ, năng lực của con người; do đó, kỹ năng và khả năng làm việc có đóng góp quan trọng vào việc giảm nghèo, gắn kết xã hội tốt hơn và tăng cường ổn định chính trị xã hội. ILO cũng khuyến nghị, Chính phủ thiết kế các chương trình giảm nghèo nên xem xét tăng cường khả năng tiếp cận GDNN. Mặt khác, thúc đẩy cơ hội cho sinh viên được tốt nghiệp GDNN; phát huy vai trò của GDNN để giảm nghèo.

     Tuy nhiên, hiện nay, GDNN vẫn chưa được công nhận rộng rãi là một công cụ thiết yếu để giảm nghèo. Trên thực tế, công tác GDNN hiện nay, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi vẫn còn nhiều bất cập như: Thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, thiếu giáo viên chuyên trách, tư vấn hướng nghiệp, giáo viên kiêm nhiệm chưa được đào tạo bài bản...

     Thúc đẩy phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với an sinh xã hội

Để phát triển GDNN gắn với an sinh xã hội, việc đề xuất chủ trương đầu tư dự án phát triển hệ thống GDNN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 là hết sức phù hợp và cần thiết hiện nay.

Phát triển GDNN thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 sẽ góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội (2021-2025) và các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt nhất cho tất cả mọi người; giảm bất bình đẳng trong xã hội; đạt được bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cụ thể tại Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững (theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 20/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 4/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ).

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp cận nền giáo dục nghề nghiệp tiên tiến trong khu vực và thế giới; thực hiện liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nước ngoài; Tăng cường công tác quản lý việc dạy và học, mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần lựa chọn một hoặc một số nghề để đầu tư mũi nhọn nhằm xây dựng thương hiệu của đơn vị, định vị ngành nghề đào tạo đối với người học nghề.

     Công tác quản lý nhà nước đối với GDNN cần được tăng cường. Bên cạnh đó, khai thác các nguồn lực từ Trung ương, địa phương để đầu tư cho phát triển GDNN; Hoàn thiện bộ máy, cơ chế chính sách, phương pháp quản lý về GDNN; Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước nhằm chấn chỉnh; Nâng cao chất lượng của công tác đào tạo, phát triển và sử dụng nhân lực, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động; Đẩy mạnh việc hợp tác 3 bên (Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp) thông qua các chương trình hợp tác GDNN và doanh nghiệp; Thực hiện đa dạng hoá các hình thức hợp tác như: Xây dựng chuẩn đầu ra; xây dựng chương trình đào tạo; tổ chức ký kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp; hợp tác tổ chức, bồi dưỡng kỹ năng và cấp chứng chỉ nghề cho lao động của doanh nghiệp và việc tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho doanh nghiệp.

     Các cơ sở GDNN cần nâng cao chất lượng GDNN theo hướng hiện đại, tiếp cận nền GDNN tiên tiến trong khu vực và thế giới; thực hiện liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nước ngoài; Tăng cường công tác quản lý việc dạy và học, mỗi cơ sở GDNN cần lựa chọn một hoặc một số nghề để đầu tư mũi nhọn nhằm xây dựng thương hiệu của đơn vị, định vị ngành nghề đào tạo đối với người học nghề.

     Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ sở GDNN với thị trường lao động, thực hiện các biện pháp đồng hành cùng doanh nghiệp; phối hợp liên kết chặt chẽ để doanh nghiệp, chú trọng tới những biện pháp mang tính chiến lược dài hạn về lao động để đảm bảo cho các hoạt động đào tạo nghề nghiệp đáp ứng được Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của người sử dụng lao động và giải quyết việc làm ở các cấp; Thực hiện tốt công tác tự kiểm định chất lượng đào tạo nghề nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng GDNN đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

     Công tác tuyên truyền cần được đa dạng hóa nội dung và hình thức. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức góp phần làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác đào tạo nghề, nâng cao số lượng tuyển sinh học nghề góp phần thúc đẩy tỷ lệ lao động qua đào tạo, chuyển dịch cơ cấu nghề theo nhu cầu thị trường, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.            

     Tài liệu tham khảo:

     Mạc Văn Tiến “An sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực”, NXB Lao động - Xã hội, năm 2005;

     Mạc Văn Tiến “ An sinh xã hội và Phúc lợi xã hội - Các cách tiếp cận lý thuyết và thực tiễn”, Tạp chí Bảo hiểm xã hội, năm 2010;

     Mạc Văn Tiến - Viện trưởng Viện Khoa học dạy nghề, Đào tạo nghề với việc đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam, http://molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=20943.

     Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 02/2021 của tác giả Phạm Viết Phương