Ngày 01/07/2023, đồng chí Nguyễn Văn Minh – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sơn La cùng đoàn công tác Nhà trường và đồng chí Nguyễn Duy Hoàng – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cùng đoàn công tác của Sở đã tiến hành kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh do Trường Cao đẳng Sơn La chủ trì thực hiện tại huyện Mộc Châu và huyện Vân Hồ.

 Đề tài “Nghiên cứu và xây dựng mô hình điển hình về phát triển du lịch xanh tại khu du lịch quốc gia Mộc Châu” do Trường Cao đẳng Sơn La chủ trì, ThS. Nguyễn Thị Hạnh làm chủ nhiệm được triển khai từ năm 2021. Đề tài đã xây dựng và tổ chức vận hành mô hình điển hình về phát triển du lịch xanh tại tại bản người Thái (bản Vặt, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu) và bản người Mông (bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ) thông qua việc hỗ trợ nguyên vật liệu; tập huấn kỹ năng vận hành mô hình du lịch xanh; tư vấn, hướng dẫn cho người dân tại bản Vặt và bản Chiềng Đi 2 xây dựng mô hình, phương pháp tổ chức các hoạt động trải nghiệm du lịch xanh, hướng dẫn thuyết minh, xây dựng chương trình du lịch xanh,…. Đồng thời, Trường Cao đẳng Sơn La thực hiện kết nối và ký biên bản ghi nhớ với các Công ty lữ hành tại thành phố Hà Nội để quảng bá hình ảnh du lịch và xây dựng tour du lịch cho du khách đến trải nghiệm tại các bản triển khai mô hình điển hình phát triển du lịch xanh ở Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.

Thầy Nguyễn Văn Minh – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sơn La cùng đoàn công tác

Qua quá trình triển khai đề tài, đến nay, người dân tại bản Vặt, xã Mường Sang và bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ đã nâng cao nhận thức về du lịch xanh và được trang bị những kỹ năng vận hành mô hình du lịch xanh. Từ đó, nhiều hộ gia đình có mong muốn tham gia làm du lịch và đầu tư mở rộng dịch vụ du lịch tại địa phương. Trong năm 2022, nhiều lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm ẩm thực, văn hóa-văn nghệ dân gian của dân tộc Thái, các trò chơi dân gian, múa xòe, nhảy sạp, tắm thuốc, lưu trú, sản xuất nông nghiệp… tại bản Vặt, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu; trải nghiệm văn hóa dân tộc Mông: ẩm thực, ném pao, ném tu lu, rồng ấp trứng, nghề làm giấy bản, văn nghệ dân gian, các sản phẩm nông nghiệp, các hoạt động sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, trải nghiệm không gian chợ phiên, … tại bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ và số lượng khách du lịch đến tham quan tại 02 bản tăng lên hàng tháng. Từ đó, một số hộ gia đình tại 02 bản đã có thu nhập từ du lịch và góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Tại buổi kiểm tra, đồng chí Nguyễn Văn Minh và đồng chí Nguyễn Duy Hoàng yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp tục tư vấn cho cộng đồng ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo mang nét đặc trưng văn hóa của địa phương. Để mô hình du lịch xanh phát triển bền vững, nâng cao tính cạnh tranh và nhân rộng trong thực tiễn, các sản phẩm du lịch phải gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và thân thiện môi trường. Nhóm nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ, báo cáo và chuẩn bị các nội dung tiến hành nghiệm thu cấp Tỉnh.

Kiểm tra đề tài “Tuyển chọn và xây dựng quy trình canh tác một số giống tre trúc lấy măng kết hợp tạo cảnh quan phát triển du lịch tại huyện Vân Hồ” do TS Hoàng Thị Hồng Nghiệp làm chủ nhiệm, triển khai từ năm 2019. Đến nay, đề tài đã xác định 13 loài tre trúc tại Vân Hồ, Mộc Châu thuộc 8 chi và đã lựa chọn được 4 loài gồm Lành hanh, Măng đắng, Mạy hốc và Bương phấn, bố trí thí nghiệm để nghiên cứu. Đề tài đã xây dựng được 01 mô hình cảnh quan tre trúc phục vụ sinh hoạt văn hoá cộng đồng dân tộc Dao gắn với định hướng phát triển du lịch cộng đồng với diện tích tổng thể của mô hình cảnh quan là 8.274 m2, trong đó diện tích cảnh quan tre trúc là 4000 m2, tre trúc trồng tại mô hình sinh trưởng và phát triển tốt tại bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ. Đề tài xây dựng được 01 mô hình khai thác măng tre gắn với định hướng phát triển du lịch sinh thái Chiềng Yên tại bản Phụ Mẫu, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ tỉnh Sơn La với tổng diện tích 8.000m2. Hiện nay, mô hình đã cho thu sản lượng măng lớn hơn gấp 3,6 lần so với khi chưa áp dụng các biện pháp tác động kỹ thuật.

Sau khi kiểm tra trực tiếp tại các mô hình, đồng chí Nguyễn Văn Minh và đồng chí Nguyễn Duy Hoàng đề nghị nhóm thực hiện đề tài: Phối hợp với các xã và huyện Vân Hồ để có phương án duy trì, phát huy hiệu quả các mô hình gắn với phát triển du lịch trải nghiệm không gian văn hoá dân tộc Dao tại Vân Hồ; Tiếp tục hoàn thiện các nội dung theo thuyết minh đề tài để chuẩn bị nghiệm thu các cấp theo quy định.

Nguyễn Thị Hạnh - Khoa Văn hóa - Du lịch